Ngày 11/04/2025, Đoàn công tác của Viện Dân tộc học và Tôn giáo học phối hợp cùng Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Kon Tum, Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Giá trị văn hoá truyền thống của hai dân tộc thiểu số rất ít người Brâu, Rơ-măm gắn với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum”. Hội thảo này thuộc Dự án Lưu giữ văn hóa lịch sử (2024-2026) của Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF): “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của hai dân tộc thiểu số rất ít người Brâu và Rơ-măm gắn với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum” do Tiến sĩ Nguyễn Thị Tám là chủ nhiệm dự án, Viện Dân tộc học và Tôn giáo học chủ trì.
Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của các đại biểu là đại diện lãnh đạo và phòng chuyên môn từ các Sở, ban ngành của tỉnh Kon Tum, các phân viện trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Ngọc Hồi, UBND huyện Sa Thầy, UBND xã Mô Rai, UBND xã Pờ Y, các già làng, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Brâu tại làng Đắk Mế, dân tộc Rơ-măm tại làng Le, các tổ chức nghiên cứu và các ngành khoa học xã hội trong nước cùng đoàn công tác Viện Dân tộc học và Tôn giáo học.
Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo khoa học
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, nơi có vị trí địa lý ‐ chính trị chiến lược hết sức quan trọng của khu vực Tây Nguyên và cả nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 7 DTTS tại chỗ gồm: Gia-rai, Ba-na, Xơ-đăng, Giẻ-Triêng, Brâu, Rơ-măm, Hrê. Brâu và Rơ-măm là hai DTTS rất ít người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me, có mối quan hệ đồng tộc ở biên giới hai nước Lào và Campuchia. Tại Việt Nam đây là hai dân tộc có dân số rất ít người, trong đó, người Brâu có 558 người, cư trú tập trung tại làng Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi; người Rơ-măm có 582 người, cư trú tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Do thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người nên người Brâu và Rơ-măm ở tỉnh Kon Tum được Đảng và Nhà nước ta dành nhiều sự quan tâm. Từ các chương trình hỗ trợ phát triển, cơ sở vật chất ở nơi đồng bào sinh sống không ngừng được đầu tư xây dựng, đời sống của người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, người dân được tiếp cận với cuộc sống hiện đại nhờ điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang hơn. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của hai dân tộc Brâu và Rơ-măm trong những năm qua đã được UBND tỉnh Kon Tum, các cấp, các ngành của địa phương quan tâm. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những khó khăn nhất định.
Ảnh: Đồng chí U Minh Nam, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tham dự đồng chủ trì Hội thảo
Hiện đại hóa và hội nhập đang đưa những yếu tố văn hóa ngoại lai thâm nhập dần vào đời sống của người dân Brâu và Rơ-măm, nhất là ở tầng lớp thanh niên qua những phương tiện truyền thông hiện đại. Người dân đang sống trong thời kỳ mà mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, có thể làm thay đổi quan điểm, lối sống của nhiều thế hệ. Từ nền tảng mạng xã hội, phương tiện truyền thông đang được sử dụng phổ biến ở cộng đồng Brâu và Rơ-măm, cần thiết xây dựng những kênh truyền tải số về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp để người dân dễ dàng tiếp cận, quản lý, chia sẻ chúng trong cộng đồng một cách thường xuyên, tạo thành thói quen hữu ích trong cuộc sống.
Ảnh: Đồng chí Trần Thị Y Tú, chuyên viên Sở Dân tộc và Tôn giáo tham gia trình bày 01 báo cáo tham luận tại Hội thảo
Bên cạnh đó, những bậc cao niên ở cộng đồng Brâu, Rơ-măm đang lưu giữ kho tàng tri thức văn hóa tộc người và có khả năng truyền dạy cho thế hệ sau đang dần mất mát do tuổi cao. Ở dân tộc Brâu, Rơ-măm vẫn còn những “hạt nhân trẻ tuổi” sẵn trong mình tâm thái yêu thích, tìm tòi và mong muốn được kế thừa, lan toả những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp đến cộng đồng nhưng lại chưa có cơ hội được tiếp nhận, thực hành đầy đủ, và chưa có những phương thức truyền tải hiệu quả, thường xuyên. Bởi vậy, việc sưu tầm, nghiên cứu, triển khai một số hoạt động lưu giữ, thực hành và truyền tải giá trị văn hóa của hai DTTS rất ít người Brâu và Rơ-măm có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy những di sản văn hoá tộc người.
Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần có một Hội thảo nhận diện bản sắc văn hóa và chỉ ra những giá trị của các thành tố văn hóa truyền thống ở hai dân tộc Brâu và Rơ-măm đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum.
Hội thảo có 02 phiên làm việc, lựa chọn các báo cáo tham luận trình bày đến từ Đoàn công tác của Viện Dân tộc học và Tôn giáo học, một số Sở, ban ngành và địa phương thuộc tỉnh Kon Tum. Xuyên suốt phiên làm việc, Hội thảo đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu, là diễn đàn thảo luận và trao đổi bổ ích cho các báo cáo viên, các nhà khoa học và các nhà quản lý. Các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung vào nhận diện bản sắc văn hóa và những giá trị của các thành tố văn hóa truyền thống ở hai dân tộc Brâu, Rơ-măm; đánh giá kết quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở hai tộc người này; chỉ ra những khó khăn trong công tác bảo tồn văn hóa ở cộng đồng địa phương; kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào bảo tồn văn hóa ở một số tộc người; đồng thời nêu lên nhu cầu, nguyện vọng cấp thiết của cộng đồng dân tộc Brâu, Rơ-măm về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống,...
Trong bối cảnh hiện nay, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Brâu, Rơ-măm được các báo cáo tập trung vào năm hướng là: (1) Sưu tầm và nghiên cứu; (2) Bảo tồn và phát huy; (3) Truyền dạy và quảng bá; (4) Đề xuất xây dựng bảo tàng văn hóa Brâu, Rơ-măm tại chỗ theo mô hình Làng văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng ; (5) Xây dựng những sản phẩm ấn phẩm số có ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, các kênh truyền tải số để lưu giữ và truyền tải văn hóa truyền thống của hai dân tộc Brâu, Rơ-măm rộng rãi hơn. Hội thảo đã đưa ra những kết luận gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách về giá trị, nguồn lực của cộng đồng địa phương, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra về bảo tồn văn hóa người Brâu, Rơ-măm.
Ảnh: Đồng chí U Minh Nam, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tham gia báo cáo tại Hội thảo
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tám - Trưởng ban tổ chức Hội thảo đã gửi lời cảm ơn tới Lãnh đạo Viện Dân tộc học và Tôn giáo học, Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Kon Tum, cùng các quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các đơn vị tỉnh Kon Tum đã phối hợp, hỗ trợ, đồng hành cùng Đoàn công tác trong suốt quá trình tổ chức Hội thảo. Tiến sĩ Nguyễn Thị Tám mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà khoa học về chủ đề hội thảo để có thể đề xuất những giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống phù hợp, có ý nghĩa với cộng đồng, địa phương.
Quốc Toản
|
|
|
Trang thông tin điện tử Sở Dân tộc và Tôn giáo thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Dân tộc và Tôn giáo, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Quang Thạch - Giám đốc Sở
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.